image banner
- Nếu người lao động không có lỗi gì trong quá trình lao động nhưng doanh nghiệp vẫn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động phải làm như thế nào? Và pháp luật về lao động quy định như thế nào đối với trường hợp này?
Trả lời:

Trường hợp nếu người lao động (NLĐ) không có lỗi gì trong quá trình lao động nhưng doanh nghiệp vẫn chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì cần phải xác định là HĐLĐ đã hết hạn hay chưa. Nếu HĐLĐ đã hết hạn mà doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng tiếp lao động thì đương nhiên chấm dứt HĐLĐ theo quy định.

Trường hợp HĐLĐ vẫn còn hiệu lực và NLĐ không vi phạm nhưng doanh nghiẹp vẫn chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật vi phạm các quy định tại Điều 38, Bộ luật Lao động năm 2012 về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động (NSDLĐ), thì NLĐ có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình.

 Theo quy định hiện nay, thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là Hoà giải viên lao động và Toà án Nhân dân. Trường hợp NLĐ bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật thì có thể khởi kiện ra Toà án Nhân dân nơi doanh nghiệp đóng trụ sở mà không phải bắt buộc qua thủ tục hòa giải của Hoà giải viên lao động (Điều 200, 201 Bộ luật Lao động 2012).

Để giải quyết vấn đề, theo kinh nghiệm thì có thể thực hiện như sau:

Thứ nhất, bạn có thể làm đơn nhờ sự can thiệp của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp này. Khi đó, tổ chức công đoàn sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để cùng với tổ chức đại diện của NSDLĐ (nếu có) để thương thảo, đối thoại, hợp tác với NSDLĐ hỗ trợ giải quyết vấn đề vì Công đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐtheo quy định tại Điều 188 Bộ luật Lao động 2012.

Thứ hai, nếu như sự tham gia của Công đoàn không có hiệu quả thì bạn có thể làm đơn khởi kiện NSDLĐ ra Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp hoạt động để Tòa án bảo vệ quyền lợi cho bạn.

Về vấn đề bạn hỏi pháp luật về lao động quy định như thế nào đối với trường hợp này?

Căn cứ Điều 42, Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như sau:

1. Phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

2. Trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của BLLĐ (Trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương; Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc).

3. Trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của BLLĐ, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà NLĐ vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định trên, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho NLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước.




TIN LIÊN QUAN
1 2 

Trang thông tin điện tử Công đoàn huyện Bù Đốp

 Địa chỉ: khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713.563.594 - 02713.564.080

Email: congdoanbudop@gmail.com

 Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch Công đoàn huyện Bù Đốp

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị